Đặc điểm Thức ăn đường phố

Thức ăn đường phố được phục vụ tại chỗ

Hầu hết các thức ăn đường phố là các món phục vụ tại chỗ và là thức ăn nhanh. Thức ăn đường phố chi phí ít hơn một bữa ăn trong nhà hàng và nhanh chóng, tiện lợi, giá cả phải chăng nên sức cạnh tranh cao và được tiêu thụ với số lượng lớn. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) thì khoảng 2,5 tỷ người ăn thức ăn đường phố mỗi ngày.[3] Thức ăn đường phố có mối liên hệ mật thiết Take-out, đồ ăn vặt (hàng rong, quà vặt), đồ ăn nhẹ (snack), thức ăn nhanh, nó được phân biệt bởi hương vị địa phương và được mua trên đường phố, mà không cần nhập bất kỳ trụ sở hay công trình xây dựng gì.

Từ lâu, thức ăn đường phố là một nhu cầu của người dân đô thị, việc phát triển các loại hình thức ăn đường phố là một nhu cầu tất yếu của xã hội, đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng.[4] Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện này là những mối nguy hại tới sức khỏe, tính mạng khách hàng, thậm chí là cả cộng đồng.[2][4] Có ba loại thức ăn đường phố cơ bản là bán trong cửa hàng cố định, bán trên hè phố và bán rong.[2][5]

Thức ăn đường phố ngày càng trở nên phổ biến cùng với nếp sống đô thị hóa vì các mặt tích cực của nó đối với xã hội:

Một xe đẩy ở Indonesia
  • Nó cung cấp một nguồn thức ăn thường giàu chất dinh dưỡng với giá cả phải chăng và mang hương vị đặc biệt (do kinh nghiệm riêng của người chế biến). Thức ăn đường phố thường đa dạng và tiện lợi cho những người có thu nhập thấp và eo hẹp thời gian, đồng thời cũng hấp dẫn cả khách du lịch và những người có kinh tế khá.
  • Thuận tiện cho người tiêu dùng, nguồn thức ăn đa dạng, hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thức ăn cho xã hội.
  • Tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người, đặc biệt là đối tượng phụ nữ, nguồn lao động chính tham gia vào dịch vụ ăn uống đường phố (nhất là phụ nữ, những người di cư từ nông thôn ra đô thị). Loại hình này đã mang đến cơ hội làm ăn, tạo bước khởi đầu cho những ai có vốn kinh doanh ít (đầu tư ngành này cần ít vốn và không cần nhiều cơ sở trang thiết bị).
  • Đôi khi thức ăn đường phố còn là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia.[6]

Bên cạnh mặt tích cực, nó cũng tiêu cực của nó, đó là

  • Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Người bán thường còn hạn chế kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện kinh tế hạn hẹp nên có thể thức ăn dễ biến chất làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Việc sản xuất và bày bán thiếu hạ tầng cơ sở và vệ sinh môi trường (cung cấp nước sạch, xử lý rác, chất thải, công trình vệ sinh...),
  • Hoạt động này cũng khó kiểm soát do sự đa dạng, cơ động tạm thời, mùa vụ...
  • Mối nguy cơ cho sức khoẻ cộng đồng (ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm), ảnh hưởng tới cảnh quan và văn minh đô thị.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thức ăn đường phố http://www.fao.org/AG/magazine/0702sp1.htm http://books.google.co.uk/books?id=QQgwVl22fXkC&pg... http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/thuc-an-duon... http://www.baotintuc.vn/150N20110511094502563T129/... http://hcm.24h.com.vn/am-thuc/nhung-mon-an-duong-p... http://dantri.com.vn/c7/s7-389275/98-co-so-thuc-an... http://dantri.com.vn/suc-khoe/98-co-so-thuc-an-duo... http://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-ta-de-doa-thuc-... http://dantri.com.vn/suc-khoe/can-canh-hau-truong-... http://dddn.com.vn/38810cat104/hiem-hoa-tu-thuc-an...